(13 февраля 2015) (Chinhphu.vn) – Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý và thực tế triển khai đến nay có lẽ là lời biện minh thuyết phục nhất cho các dự án bauxite tại Tây Nguyên, cả về hiệu quả lẫn tinh thần trách nhiệm của những người có thẩm quyền. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa dành hẳn hai ngày để trực tiếp thị sát, làm việc về các dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, sau khi dự án alumin Tân Rai đã đi vào vận hành thương mại được gần một năm rưỡi.
Thời gian chưa thật dài, nhưng cũng đủ để hình dung bức tranh tổng thể về dự án này, như nhận định của Thủ tướng: Đã thấy việc khai thác bauxite là hiệu quả và an toàn. Nói cụ thể hơn, là có hiệu quả về kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và về quốc phòng-an ninh.Trên thực tế, những vấn đề này đều đã được các cấp có thẩm quyền cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao, từ lúc quyết định về chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên cho đến khi xây dựng 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ.Ta hãy đề cập cụ thể hơn vấn đề hiệu quả kinh tế, vốn phụ thuộc khá nhiều vào các tác động từ bên ngoài, những yếu tố nằm ngoài tính toán, so với vấn đề hiệu quả xã hội, bảo đảm môi trường hay quốc phòng-an ninh phụ thuộc chủ yếu vào hành động chủ quan của chúng ta. Như phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu lấy phương án bảo thủ nhất để đánh giá hiệu quả các dự án này thì theo phương án bảo thủ nhất, dự án cũng vẫn có hiệu quả. Như đã thấy trong năm 2014, giá bán sản phẩm thực tế của dự án Tân Rai đã cao hơn so với giá tính toán.Đúng như một chân lý đã được đúc kết, “thực tiễn là tiêu chuẩn, nếu không muốn nói là tiêu chuẩn duy nhất, của chân lý”. Quyết định khai thác bauxite Tây Nguyên được đưa ra trên cơ sở tính toán khoa học kỹ lưỡng và thực tiễn đã chứng tỏ rằng quyết định ấy, những tính toán ấy là có cơ sở.Phải thừa nhận rằng chủ trương khai thác bauxite dù đã được Đảng, Nhà nước quyết định song vẫn chưa nhận được sự đồng tình trong một số ý kiến. Thiết nghĩ điều đó cũng dễ hiểu. Bauxite là một lợi thế không thể chối cãi của Tây Nguyên và của Việt Nam, nhưng với một chủ trương lớn như vậy, rất cần sự thận trọng. Những ý kiến phản biện, kể cả đồng ý hay không đồng ý, đều là cần thiết, để những người có thẩm quyền quyết định phải thận trọng hơn, xem xét kỹ lưỡng hơn.Nhưng lắng nghe ý kiến phản biện không nhất thiết là phải đồng tình với những ý kiến đó. Những người có thẩm quyền quyết định về dự án bauxite là những người đã được nhân dân trao thẩm quyền. Hơn bất kỳ ai, họ ý thức rõ ràng về quyết định của mình và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng về quyết định đó.Trong quá khứ cho thấy có những quyết định đúng đắn nhiều khi ban đầu bị phản biện rất mạnh.Những năm 1980, khi Hà Nội mở đường Giải Phóng, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích, coi đó như là một điển hình lãng phí. Để rồi, ngày nay, tuyến đường huyết mạch phía Nam Thủ đô dù rộng tới 35m vẫn liên tục quá tải. Cũng tương tự với một dự án lớn hơn, Quốc lộ 5. Trên thế giới, có lẽ ít ai nhớ, ý tưởng xây dựng tháp Eiffel- mà ngày nay là biểu tượng, là niềm tự hào của nước Pháp — đã gây tranh luận vô cùng gay gắt thời bấy giờ, với không ít ý kiến phản đối mạnh mẽ.Mới đây, trên Báo điện tử Chính phủ, một chuyên gia thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã đề cập đến một thực trạng: Khi một việc gì đó có kết quả thì nhiều người có thể nhận đó là thành tích của mình, nhưng nếu có cơ sự gì thì hầu hết thoái thác. Một cách tự động, người làm trực tiếp là người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất. Do vậy, không có nhiều người dám làm việc sáng tạo, đương đầu với cái mới, những thứ không có trong quy trình.Trong câu chuyện về bauxite, những người ra quyết định đã không lựa chọn phương án “an toàn” cho mình, mà dám đương đầu với nguy cơ “rủi ro” về trách nhiệm cá nhân. Cũng phải nhắc lại thêm rằng, hai dự án tại Tây Nguyên cũng chỉ là thử nghiệm, hay nói cách khác, tinh thần dám làm dám chịu đã đi liền với sự cẩn trọng cần thiết. Sau những tranh cãi, việc khai thác bauxite cuối cùng cũng chứng tỏ được hiệu quả bước đầu trên thực tế, nhưng điều quan trọng không kém là niềm tin được củng cố về tinh thần trách nhiệm ở mức cao nhất của những người có thẩm quyền phải “đứng mũi chịu sào”.
Hà Chính